Hiệu quả từ mô hình nuôi cá chạch lấu trong lồng bè

Theo Thành Chinh/Báo An Giang

Lâu nay, cá chạch lấu chỉ được người dân đánh bắt ở môi trường thiên nhiên chứ mấy ai nghĩ đến chuyện nuôi làm giàu. Thế nhưng một số ngư dân ở đầu nguồn huyện An Phú đã thành công từ mô hình nuôi cá chạch lấu xen canh với cá chình trong lồng bè, đem lại giá trị kinh tế cao hơn các loại cá da trơn…

Nằm cặp sông Bình Di, thuộc ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình (An Phú), hai bè của chú Lê Văn Kỵ mỗi cái rộng 25m2 thả nuôi hơn 2.000 con cá chạch lấu xen lẫn với 4.000 con cá chình. Đang cho cá ăn, chú kéo máng mồi lên cho chúng tôi xem những con cá chạch giãy đành đạch, với trọng lượng khoảng 2 con/kg. Chú cho biết, nguồn cá này rất quý hiếm, hằng năm vào khoảng tháng 5 nước quay mới có cá giống từ thượng nguồn đổ về. Chính vì vậy phải tranh thủ đặt mua từ các thương lái đầu mối bên nước bạn Campuchia và những người chài được trên sông Hậu. Trung bình mỗi ký cá giống khoảng 10 con, với giá 45.000 đồng/kg, loại cá này thích hợp ở môi trường nước chảy, mật độ thả thưa thì cá mới mau lớn. Cách nuôi cũng đơn giản, đóng cái bè cho thật chắc nếu bè yếu cá sẽ dùi đi và phải cho vào bè ít chà bó để cá trú ẩn. Thức ăn cũng dễ tìm, chủ yếu là cá đồng hay cá biển tạp; nhưng cá chạch ưa nhất là cua, ốc, tép, cá linh xay nhuyễn hoặc băm ra từng lát… Tuy nhiên để nuôi cá đạt trọng lượng 1 kg/con phải mất khoảng một năm, nhưng bù lại giá cá trên thị trường rất cao từ 150.000-160.000 đồng/kg nên người nuôi sẽ có lãi.

Nên xem:   Trường Dạy Nghề Bonsai THANH TÂM

Sau nhiều lần thua lỗ vì đeo đuổi nghề nuôi cá tra, chú Lê Văn Kỵ đã phải lâm vào cảnh khốn đốn. Không còn tiền để mua cá tra giống thả tiếp tục, chú tính tháo bè lên bờ làm thuê, làm mướn. Nhưng trong một lần đi đến nhà người thân ở xã Nhơn Hội, thấy cá chạch lấu nhỏ bán lẻ tại chợ nên nảy ra ý định nuôi loại cá này. Chú bèn mua về hơn 100 kg thả bè nuôi thử xen với cá bống tượng, cá chình. Không ngờ đến khi  gạn bán, cá bống, cá chình thì thấy cá chạch lấu lớn vượt trội và bán được đến 130.000 đồng/kg. Lần ấy vừa cá chạch lấu vừa cá chình, cá bống tượng, chú Kỵ xuất bè kiếm lời trên 100 triệu đồng. 

Cách sau bè của chú Kỵ chừng chục mét, bè của anh Nguyễn Văn Gớt cũng thả hơn 1.000 con cá chạch lấu đạt trọng lượng khoảng 700 gram/con. Anh cho hay, năm 2007, thấy chú Kỵ nuôi đạt hiệu quả nên anh cũng đầu tư mua giống thả vào. Hiện nay, thị trường cá chạch khan hiếm, nên rất dễ bán, nhiều thương lái đến dạm hỏi mua với giá 160.000 đồng/kg nhưng anh cho biết đợi cá lớn đúng ký mới bán. Loại cá này lớn nhanh nhất là vào những tháng nước đổ, lại ít hao hụt nên nuôi khỏe hơn các loại cá khác, nếu tính lợi nhuận thì cá chạch lấu gấp nhiều lần so với cá tra.

Nên xem:   Phân đầu trâu và cách bón phân đầu trâu hiệu quả

Chị Trương Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú nói rằng, ven sông Bình Di, thị trấn Long Bình trước kia có hàng chục hộ nuôi cá da trơn trong lồng bè nhưng do lỗ “cuốn chiếu” nên hầu hết họ đã chuyển sang nuôi cá: Chạch lấu, chình, bống tượng và cá lăng nha. Nhờ vậy người nuôi khấm khá lên góp phần nâng cao mức sống cho không ít hộ dân ở địa phương. Riêng nghề nuôi cá chạch lấu được xem là nghề mới mang lại triển vọng cho nhiều ngư dân ở đầu nguồn. Trong tương lai, nếu thị trường ổn định và lai tạo được con giống thì các hộ nơi đây sẽ tham gia nuôi nhiều hơn. Cái khó hiện nay là nguồn cá giống rất khan hiếm nên ngư dân phải đặt mua nhiều chỗ, với giá rất cao…

Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Phan Phương Loan, Bộ môn Thủy sản thuộc Khoa Nông nghiệp-Tài nguyên thiên nhiên Trường đại học An Giang cho biết, năm 2007, Bộ môn đã ương thành công giống cá chạch lấu và được tỉnh hỗ trợ kinh phí nghiên cứu đề tài khoa học “sản xuất giống nhân tạo cá chạch lấu”. Vì vậy, nếu ngư dân nào có nhu cầu nuôi thì sẽ được cung cấp đầy đủ con giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật.

Rate this post

Bài viết liên quan

Thêm bình luận